Tập trung kiềm chế lạm phát

Còn chưa đầy nửa năm nữa là kết thúc năm 2022 trong bối cảnh nhiều diễn biến bất lợi, phức tạp và khó lường tiếp tục ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu vĩ mô, trong đó có kiềm chế lạm phát. Đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu, được Chính phủ quan tâm, quyết tâm thực hiện để bảo đảm an sinh theo yêu cầu đề ra…

Yếu tố thuận, nghịch đan xen

Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 7 vừa qua tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ. Theo nhận định của một số chuyên gia, đây là mức tăng có phần hơi cao, nhưng hoàn toàn chấp nhận được trong bối cảnh bị động từ nhiều nguyên nhân, nhiều phía, như: Chiến sự và mâu thuẫn liên tục căng thẳng giữa một số quốc gia, khu vực tác động rất tiêu cực tới nguồn cung hàng hóa, gây mất ổn định về giá cả và gây lạm phát ở hầu hết các quốc gia đối tác; chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, gián đoạn cục bộ tại một số thời điểm, từ đó đẩy giá thành nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu lên cao. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên chịu tác động tiêu cực, CPI tăng liên tục qua từng tháng.
Theo nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, do phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu nên kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng rõ. Cụ thể, khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế.
Riêng giá xăng dầu diễn biến chủ yếu theo chiều hướng tăng trong 6 tháng đầu năm. Xăng dầu là hàng chiến lược, chiếm 3,5% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế nên tác động, đẩy lạm phát gia tăng, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Bên cạnh những khó khăn khiến lạm phát gia tăng, hiện đã xuất hiện tình huống đảo chiều, theo hướng có lợi cho sản xuất và đời sống, dự kiến sẽ tạo điều kiện hạ thấp mức tăng CPI. Đơn cử, 4 đợt giảm giá xăng, dầu liên tiếp với mức giảm khá sâu nên chắc chắn sẽ tác động tích cực tới nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống. 
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dù Việt Nam đã kiểm soát lạm phát khá tốt nhưng áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn còn lớn. Do đó, cần có những giải pháp hợp lý, kịp thời và thiết thực đối với cả doanh nghiệp cũng như người dân để khống chế lạm phát.
Người dân mua sắm tại Trung tâm thương mại Savico Megamall (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Giải pháp đồng bộ

Nói về giải pháp, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ cần có cơ chế bình ổn giá nguyên, vật liệu xây dựng cho các nhà thầu trong thời gian thi công trong các hợp đồng trọn gói. Có thể nghiên cứu hỗ trợ nhà thầu bởi nếu giá thép tăng 10% thì giá công trình tăng thêm khoảng 1%. Trong khi đó, đối với nhà thầu, lãi của một công trình chỉ dao động dưới mức 5%. Đặc biệt, các địa phương khi thông báo giá các loại nguyên, vật liệu dùng trong xây lắp cho nhà thầu cần phải cập nhật theo giá thị trường. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng và các địa phương cần khẩn trương hướng dẫn điều chỉnh đơn giá trong hợp đồng xây lắp khi có các yếu tố khách quan, bất thường ảnh hưởng tới thực hiện các hợp đồng đã ký theo đơn giá cố định.
Còn chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh giải pháp cần thực hiện kết nối lại các chuỗi cung ứng nội địa cũng như mối quan hệ xuất – nhập khẩu. Tập trung kiểm soát thị trường giá cả, chống đầu cơ, buôn lậu, nâng giá bất hợp lý kể cả những mặt hàng mà trước đây không thuộc Nhà nước định giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Tổ chức tốt hệ thống phân phối quốc gia, giảm trung gian bất hợp lý của một số đơn vị thao túng thị trường để bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng.
Trong một diễn biến mới nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết, kịp thời cho các tháng còn lại để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đôn đốc, tổng hợp việc thực hiện công tác quản lý, điều hành giá của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các địa phương để báo cáo Thủ tướng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo tiếp tục theo dõi tình hình giá thế giới, sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu; chỉ đạo chủ động nghiên cứu báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu. Đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng, dầu, cần tăng cường rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng, dầu trong yếu tố hình thành giá… Với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng, dầu, có tác động đến CPI, Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nắm bắt tình hình để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp. 
Các chuyên gia cho rằng, áp lực lạm phát vẫn sẽ phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên, vật liệu, đặc biệt là mặt hàng xăng, dầu thế giới, bên cạnh đó là giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng trong nước… Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, thông qua các giải pháp hữu hiệu, lạm phát năm nay sẽ tăng dưới 4%.

Theo hanoimoi.com.vn